Bệnh tăng động là một trong những loại bệnh lý thường xảy ra ở trẻ em, nếu không điều trị sớm sẽ khiến cho khả năng ghi nhớ kém, phát triển ngôn ngữ chậm…

Tuy nhiên, việc phân biệt được loại bệnh này thường khá khó khăn khi cha mẹ dễ bị nhầm lẫn là con thông minh, hiếu động.

Trẻ bị tăng động và hiếu động luôn là những dấu hiệu mà các bậc cha mẹ khó có thể nhận biết được nếu không chú ý rõ. Đối với mỗi bậc cha mẹ thì đều con muốn con mình thông minh, lanh lợi, hiếu động và vâng lời. Nhưng hiếu động ở mức nào thì được xem là bình thường, như thế nào thì là tăng động. Dưới đây là một số dấu hiệu trẻ bị tă,ng động giúp cha mẹ tránh bị nhầm lẫn với tính cách thông thường của con là hiếu động.

Vậy bệnh lý tăng động là gì?

Bệnh lý tăng động hay còn có tên gọi khác là rối loạn tăng động giảm chú ý, là bệnh lý rối loạn phát triển thần kinh có dấu hiệu đặc trưng là mất tập trung, chú ý; bốc đồng, hiếu động quá mức so với lứa tuổi của người mắc bệnh. Bệnh xảy ra sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến việc học tập cũng như các mối quan hệ xã hội của trẻ vì trẻ khó có thể tập trung mà dẫn đến kết quả học tập cũng kém đi. Thường thì tỷ lệ mắc bệnh này của bé trai thường cao hơn bé gái gấp 3 lần cùng lứa tuổi.

Những đứa trẻ mắc bệnh lý này thường ở mức độ từ 8-11 tuổi, khi trẻ trưởng thành thì tỷ lệ này cũng giảm hơn. Ngoài ra, bệnh tăng động cũng có liên quan đến các rối loạn tâm lý khác. Tuy nhiên một số trường hợp, người mắc bệnh này vẫn có lúc tập trung với những gì họ cho là thú vị, trạng thái lúc này được gọi là trạng thái siêu tập trung.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng động

Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chính xác về nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng rối loạn này có thể liên quan tới các hóa chất trong não. Khi các hóa chất trong não mất cân bằng có thể ảnh hưởng đến hành vi của người bệnh. Ngoài ra, cũng vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định các chất phụ gia, tiêm chủng có thể dẫn đến trẻ bị tăng động.

Vậy làm thế nào để có thể phân biệt giữa trẻ bị tăng động và hiếu động bình thường?

Cha mẹ có thể quan sát con với những dấu hiệu như:

– Trẻ hiếu động thì các hành động nghịch ngợm thường không liên tục và đều có chủ tâm. Trẻ bị tăng động thường không thể điều chỉnh được hành vi của mình.

– Trẻ hiếu động có thể chú tâm hoàn toàn vào những thứ mà chúng đặc biệt thích, sẽ thể hiện sự khó chịu khi bị ai đó làm phiền. Trẻ bị tăng động không thể tập trung quá lâu vào một thứ gì đó, tùy theo mức độ giảm chú ý. Tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ bị tăng động đang ở trạng thái siêu tập trung.

– Trẻ hiếu động thường sẽ rụt rè hơn khi đến những nơi lạ, sẽ có sự thăm dò, để ý cảm xúc của những người xung quanh. Trẻ bị tăng động thì hoàn toàn mất đi khả năng đó

– Trẻ hiếu động chỉ nghịch ngợm khi biết đang ở một nơi an toàn như có cha mẹ, người thân ở bên hoặc trong tầm nhìn của trẻ. Trẻ bị tăng động không phân biệt được khi nào cần kiềm chế, khi nào có thể nghịch ngợm.

– Hiếu động thường xuất hiện khi bé mới biết đi hay những năm đầu học tiểu học, qua quá trình học tập và rèn luyện sẽ giảm bớt. Tăng động thì thường xuất hiện khi bé dưới 12 tuổi và có xu hướng kéo dài.

– Trẻ hiếu động sẽ hoàn toàn ổn định tâm lý khi lớn lên. Còn trẻ tăng động cần có sự can thiệp trong thời gian dài cả về tâm lý và y học.