Trong kho tàng y học dân tộc vô cùng phong phú, khi những bài thuốc từ cây cỏ, thảo dược đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Tuệ Tĩnh xưa đã có câu “Nam dược trị nam nhân” để chỉ ra nguồn dược liệu từ ngay chính cây cỏ xung quanh là rất lớn và hiệu quả trong việc điều trị các chứng bệnh.  

Ngay chỉ như một cây cỏ mọc hoang ở nhiều nơi như cây nhọ nồi hay còn gọi là cỏ mực cũng là dược thảo hữu ích để chữa trị rất nhiều căn bệnh. Nhọ nồi là cây cỏ thuộc họ cúc thường mọc hoang ở nhiều nơi, sở dĩ được gọi là cỏ mực vì khi vò nát có nước chảy ra đen như mực. Cỏ mực là loại cây sống một hay nhiều năm, mọc đứng hoặc mọc bò, cao 30-40cm, thân màu lục hoặc đỏ tía. Lá cỏ mực mọc đối, gần như không cuống, hai mặt lá có lông, hoa màu trắng mọc ở kẽ lá hoặc ngọn thân, gồm hoa cái ở ngoài và hoa lưỡng tính ở giữa.

Trong dân gian cây cỏ mực được biết đến với tác dụng đặc trưng là để cầm máu, chữa tiểu tiện ra máu, kiết lỵ. Tuy nhiên, vì đây là một cây lành tính nên còn có rất nhiều tác dụng khác trong công tác phòng và chữa bệnh mà chúng ta chưa biết đến.

Tính của cỏ mực là mát, có tác dụng cầm máu, hạ nhiệt, chống rôm sảy, phát ban, viêm nhiễm ở trẻ nhỏ. Một số phương thuốc để chữa cách bệnh được làm từ cỏ mực như:

Với người bị thổ huyết, chảy máu cam hãy rửa sạch cành, lá của cỏ mực, giã nát sau đó ép lấy nước, dùng nước uống để cầm máu. Trị chứng tiểu ra máu thì rửa sạch lá cây cỏ mực và lá mã đề, giã nát 2 loại này rồi ép lấy nước uống, uống 3 chén một ngày trước bữa ăn. Nếu vết đứt tay chảy máu, lấy một nắm lá cỏ mực rửa sạch, giã nhuyễn sau đó dùng để đắp lên vết thương.

Với người bị trĩ ra máu, lấy cây cỏ mực để nguyên rễ, cành, lá, từ 30-50g rồi rửa sạch, giã nhuyễn tất cả. Sau đó cho vào một chén rượu nóng, dùng dịch đặc để uống và lấy bã đắp vào khu vực trĩ ra máu. Sử dụng như vậy 3-5 ngày.

Với những người râu tóc bạc sớm, hãy lấy cỏ mực với lượng tùy dùng, rửa sạch, nấu cô đặc thành cao rồi cho nước gừng, mật ong với lượng vừa phải lần nữa. Cho vào lọ, khi dùng lấy 1-2 thìa canh hòa nước đun sôi còn ấm hoặc cho ót rượu gạo để uống, ngày 2 lần, cao này có tác dụng bổ thận.

Với phụ nữ bị rong kinh, nếu nhẹ thì lấy cỏ mực tươi giã lấy nước cốt uống hoặc cỏ mực khô sắc nước uống. Nếu huyết ra nhiều cần phối hợp thêm lá trắc bá diệp hoặc cây huyết dụ,…

Theo kinh nghiệm thì dùng cây cỏ mực có hoa tốt hơn. Một điều vô cùng tuyệt vời từ cây cỏ mực chính là đặc tính không độc, vì thế an toàn khi sử dụng kể cả khi sử dụng với một liều lượng cao hơn so với chỉ định.

Như vậy, tiềm năng chữa bệnh từ cây cỏ mực còn rất nhiều và phong phú mà có thể chúng ta còn chưa nghiên cứu hết. Đây quả là một loại thảo dược quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta.