Chỉ một chút mất tập trung, thiếu quan sát của chủ xe và nhân viên cây xăng cũng có thể dẫn đến những thiệt hại lớn do đổ nhầm loại nhiên liệu cho ô tô.

Những ngày qua, chủ đề đổ nhầm nhiên liệu (dầu-xăng) đã và đang được đông đảo người dùng ô tô quan tâm và tranh luận sôi nổi. Không ít câu chuyện “dở khóc dở cười” liên quan đến việc tưởng chừng hy hữu này đã được các chủ xe chia sẻ.

Hoá đơn sửa chữa xe của anh Toàn tại Mazda Cần Thơ

Anh Trần Phước Toàn (ngụ tại quận 8, TP.HCM) cho biết, anh vừa có một chuyến đi “bão tố” cùng chiếc Mazda CX-8 của mình với lý do bị bơm nhầm dầu diesel vào xe xăng. Chi phí để khắc phục thiệt hại hết hơn 8 triệu đồng.

Cụ thể, vào ngày 5/2, trên đường từ TP.HCM về Hậu Giang, anh Toàn có ghé đổ xăng ở trạm dừng chân trên cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Khi tiếp tục di chuyển được khoảng 5km, anh thấy xe có hiện tượng lạ, kêu lọc cọc ở chân ga. Do xe vẫn chạy được và hôm đó vào ngày chủ nhật, xưởng dịch vụ của hãng nghỉ nên anh vẫn tiếp tục lái xe về Hậu Giang.

Sáng ngày hôm sau (6/2), khi trở lại TP. HCM, anh thấy xe có biểu hiện đuối máy và ì, có lúc chỉ đi được tối đa là 30-40 km/h, thậm chí đang đi thì chết máy. Sau khi “bò” 20 km/h đến được xưởng dịch vụ của Mazda Cần Thơ, anh được nhân viên ở đây kết luận xe đã bị lẫn dầu vào bình xăng và phải khắc phục ngay.

Chiếc Mazda CX-8 của anh phải để lại xưởng gần 2 ngày để xúc rửa bình xăng, thay lọc nhiên liệu, thay bu-gi, vệ sinh kim phun,… tổng chi phí hết hơn 8,4 triệu đồng chưa kể tiền nhiên liệu phải đổ thêm.

“Khi đến trạm xăng, mình có nói rõ với nhân viên là đổ 600 nghìn xăng A95, thế mà không hiểu sao nhân viên lại đổ dầu diesel. Lúc đó do bận lấy tiền trên xe nên mình không để ý, để cho nhân viên tự bơm. Cũng may là bình xăng vẫn còn hơn một nửa nên tỷ lệ loãng hơn. Tổng quãng đường xe di chuyển được sau khi đổ nhầm dầu là gần 200 km”, anh Toàn nói.

Theo chủ xe này, dòng xe Mazda CX-8 của anh không có phiên bản máy dầu, anh cũng đã nói rõ là “đổ xăng A95” nên lỗi sơ đẳng này hoàn toàn thuộc về nhân viên trạm xăng. Điều này không chỉ làm mất công sức, thời gian, tiền của của chủ xe mà còn có thể gây ra những mối nguy hiểm trên đường.

“Tiền mất, tật mang” là vậy nhưng không phải ai cũng quay lại “bắt đền” phía cây xăng được.

Nhiên liệu sau khi được hút ra có màu vàng của dầu diesel

Trên thực tế, việc đổ nhầm nhiên liệu xăng vào dầu tương tự như câu chuyện của anh Toàn ở trên là không hiếm gặp, nhất là trường hợp xe mượn, tài xế không để ý đến loại nhiên liệu hoặc ở các dòng xe có cả phiên bản máy xăng và dầu diesel, dẫn đến sự nhầm lẫn của nhân viên bán xăng.

Các chuyên gia về kỹ thuật ô tô cho rằng, việc đổ nhầm xăng-dầu dù ít hay nhiều vẫn gây hại cho phương tiện. Tuy nhiên, hậu quả nghiêm trọng đến đâu thì còn phụ thuộc vào mức độ, loại nhiên liệu và nhất là cách xử trí của người lái xe.

Trao đổi về vấn đề này, kỹ sư ô tô Lê Hồng Đại cho rằng, khi đổ nhầm nhiên liệu mà vẫn cho xe hoạt động có thể gây ra một số hỏng hóc, thường gặp nhất là hiện tượng nóng và bó máy trên đường; nặng hơn có thể gây gãy trục cơ hoặc vỡ lốc máy dẫn tới phải thay cả máy. Khi đó, chi phí khắc phục sẽ là rất tốn kém, có thể từ vài chục đến vài trăm triệu.

Kỹ sư Đại giải thích: “Khi xăng và dầu bị trộn lẫn sẽ hoà vào nhau và gây ra sự thay đổi trong quá trình hoạt động của động cơ vì cơ chế hoạt động của động cơ xăng và dầu là hoàn toàn khác nhau. Với xe máy xăng là dùng tia lửa điện để kích nổ, còn máy dầu là dùng áp suất nén nổ. Thông thường, việc đổ nhầm xăng vào dầu sẽ nguy hiểm hơn và gây hỏng hóc nặng nề hơn đổ dầu vào xăng”.

Vị chuyên gia này đưa ra lời khuyên, với trường hợp đổ nhầm xăng vào dầu thì tuyệt đối không được khởi động mà phải đưa ngay xe về gara để tiến hành hút nhiên liệu ra khỏi bình, đồng thời bơm dầu nhiều lần để xúc, rửa sạch bình và vệ sinh toàn bộ hệ thống kim phun, bu-gi, thay lọc dầu,… trước khi đổ lại nhiên liệu vào và khởi động.

Còn trường hợp đổ nhầm dầu vào xe chạy xăng ít gây nguy hiểm hơn. Với tỷ lệ dầu thấp dưới 10% thì không quá đáng ngại, khi đó có thể bơm thêm xăng vào bình để pha loãng dầu và xe vẫn có thể chạy gần như bình thường.

Nhưng nếu lượng dầu chiếm tỷ lệ quá lớn có thể gây chết máy, khó nổ hoặc nặng hơn là gây hỏng hóc động cơ. Vì vậy, lái xe khi phát hiện xe mình bị đổ nhầm dầu vẫn nên tắt máy và đưa tới gara để khắc phục, xúc rửa bình nhiên liệu và vệ sinh kim phun càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, để tránh tối đa việc đổ nhầm nhiên liệu nói trên, người lái xe cần tìm hiểu kỹ loại nhiên liệu mà chiếc xe đó sử dụng. Khi đến các trạm xăng nên chủ động đỗ xe vào đúng khu vực cột bơm nhiên liệu mà mình định mua và nên xuống xe trao đổi, quan sát trong quá trình nhân viên tiếp nhiên liệu để tránh tối đa việc nhầm lẫn không đáng có.