Một người đàn ông ở Nghệ An mua ô tô KIA Sonet giá 700 triệu, may mắn bốc được BKS ngũ quý 99999 và bán lại 1,6 tỷ đồng.
Dư luận những ngày nay đang xôn xao bàn tán trước thông tin anh Trần Hữu Tuyến, trú tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An mua ô tô KIA Sonet giá 700 triệu đồng, khi đi đăng ký bốc được biển số 37A-999.99.
Khi về nhà, anh Tuyến đã bán chiếc xe có biển số ngũ quý VIP: 999.99 với giá 1,6 tỷ đồng cho một người đàn ông tại Hà Nội. Nhờ may mắn bốc được biển số đẹp, anh Tuyến đã bỏ túi gần 1 tỷ đồng.
Theo quan niệm người phương Đông, số 9 mang ý nghĩa rất đẹp, bởi trong tiếng Hoa, phát âm của số 9 trùng với âm tiết của từ “cửu” trong vĩnh cửu. Biển ngũ quý 999.99 mang nhiều ý nghĩa về sự trường thọ, may mắn, hạnh phúc, an lành và thuận lợi.
Đây không phải là lần đầu tiên chủ nhân mua ô tô may mắn bốc được biển số đẹp, bán lại lãi từ hàng trăm đến hàng tỷ đồng cho những người chơi xe.
Từ việc anh Tuyến và nhiều người khác mua ô tô, may mắn bốc được BKS đẹp, bán lại thu lãi tiền tỷ, nhiều người dân, chuyên gia pháp luật nêu quan điểm: Tại sao Nhà nước không tổ chức bán đấu giá biển số ô tô, xe máy để tăng thu cho ngân sách?
Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với với Thạc sĩ – Luật sư Chu Thị Út Quỳnh (Hà Nội) về quy định của pháp luật vấn đề này.
Theo Luật sư Quỳnh, hiện nay, hoạt động đấu giá được điều chỉnh bởi Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Theo điều 4 của luật này, đối tượng đưa ra đấu giá là tài sản, nếu không phải là tài sản thì không thuộc diện được đấu giá, không chịu sự điều chỉnh của luật này.
Căn cứ Điều 105, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản thì: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Như vậy, biển số xe chỉ được đưa ra đấu giá hợp pháp khi nó là tài sản. Tuy nhiên, Khoản 22, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Nghiêm cấm sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng”.
Theo đó, chủ phương tiện không được phép bán biển số của phương tiện mà họ được cấp. Nếu đã bị cấm hoạt động mua, bán biển số xe thì biển số xe không có giá và không phải là tài sản.
Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản dưới luật như Thông tư số 15/2014/TT-BCA, Thông tư 54/2015/TT-BCA, Thông tư 64/2017/TT-BCA của Bộ Công an về đăng ký xe, biển số xe cũng quy định rất cụ thể về trình tự cấp, thu hồi và đăng ký biển số xe cơ giới. Tại các quy định trên, biển số bắt buộc gắn liền với xe, xe được chuyển nhượng thì biển số cũng theo xe.
Như vậy, pháp luật hiện hành chỉ coi biển số xe là công cụ hữu hiệu để Nhà nước quản lý đối với các phương tiện giao thông xe cơ giới. Biển số xe không được xem là tài sản của chủ phương tiện để thực hiện các giao dịch mua, bán dân sự. Hành vi mua, bán biển số xe là hành vi vi phạm pháp luật. Do biển số xe không được coi là tài sản nên hành vi bán đấu giá biển số xe là không đúng với quy định của pháp luật.
Trường hợp, cá nhân muốn sở hữu biển số xe của chủ phương tiện khác, thì cá nhân đó phải mua lại cả chiếc xe sau đó tiến hành các thủ tục đăng ký sang tên theo quy định pháp luật, chứ không thể mua hay đấu giá riêng biển số của phương tiện đó.
Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu mua biển số xe qua đấu giá của người dân ngày càng tăng, nhiều đề án về cho phép đấu giá biển số xe đã được cơ quan có thẩm quyền xây dựng và xem xét áp dụng nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách.
Tin rằng trong tương lai gần, khi quy định về biển số xe được điều chỉnh theo hướng biển số xe nói chung (chứ không chỉ riêng biển số xe đẹp) là tài sản; cùng với việc quy định cụ thể, chi tiết và hợp lý về trình tự, thủ tục mua bán, đấu giá biển số thì người dân sẽ được đấu giá biển số xe một cách dễ dàng và thuận tiện nhưng vẫn đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân khi tham gia đấu giá loại tài sản này.