Việc đăng thông tin mua bán xe ôtô cũ trên mạng qua các trang mạng xã hội, trang thông tin mua bán xe, rao vặt… đang ngày càng trở nên phổ biến và là kênh thông tin được nhiều người dân và chủ salon kinh doanh xe lựa chọn.
Các đối tượng lừa đảo đã tận dụng niềm tin của người mua để lừa tiền cọc với lời chào mời giới thiệu, các quảng cáo hấp dẫn trên Facebook, Youtube, Zalo, trên chợ tốt xe máy, các trang web mua bán xe… Nhiều người đã mất một khoản tiền không nhỏ khi đặt cọc để giữ xe khi thấy mức giá tốt.
Mất 20 triệu đồng tiền cọc vì tin lời người bán
Ông L.V.C – một chủ salon kinh doanh xe ôtô cũ với kinh nghiệm hơn 10 năm chia sẻ, mới đây chính ông đã trải qua việc bị một đối tượng giăng bẫy khi mua một chiếc xe ôtô từ thông tin trên mạng.
Theo lời kể, 1 đối tượng có tên zalo là Toàn Nguyễn đã đăng tải chiếc xe Mercedes GLC 250 với mức giá bán là 920 triệu đồng lên một trang mua bán. Thấy mức giá rẻ so với thị trường hiện tại, ông C đã liên hệ hỏi thông tin xe và hẹn giờ xuống tận nơi xem xe để xuống tiền nếu chiếc xe không có lỗi, chính chủ đúng như chủ xe miêu tả.
Sau khi trao đổi thông tin với người bán qua điện thoại, tin nhắn và hẹn giờ xuống xem xe, đối tượng này bắt đầu “giăng bẫy” rằng có thể bán cho người khác nếu ông L.V.C không xuống xem xe kịp thời. Qua tin nhắn, đối tượng này liên tục thông tin những câu: “Tối giờ cũng có mấy người hẹn xem mua rồi”, “40 phút chắc họ qua trước anh em rồi”, “Họ ở gần sân bay qua anh có 10 phút thôi”…
Vì sốt ruột muốn giữ được chiếc xe có giá tốt hơn so với thị trường, ông L.V.C đã chuyển cọc số tiền 20 triệu đồng để giữ xe và giữ giá trước khi có bên khác tới xem và mua mất. Tuy nhiên, sau khi cá đã cắn câu, số tiền 20 triệu đồng vừa chuyển đi thì cũng là lúc chủ xe bỗng dưng “biến mất”. Khi người mua tìm điểm hẹn xem xe theo đúng giờ, theo địa chỉ tại quận Tân Bình (TPHCM) thì số điện thoại liên hệ báo thuê bao, địa chỉ nhà trước đó gửi trong điện thoại là địa chỉ giả.
“Hiện đối tượng đã chặn tin nhắn, chặn số điện thoại và thu hồi một số nội dung tin nhắn trên Zalo. Từ hôm qua (10.2) đến nay tôi vẫn chưa thể liên lạc được và đã xác định là mất số tiền cọc đó”- ông L.V.C cho hay.
Người mua phải cẩn trọng
Thực tế, hiện nay trên mạng đang tồn tại nhiều đối tượng đang thực hiện các hành vi lừa đảo tiền cọc nhưng vẫn có nhiều người rơi vào bẫy.
Anh La Trung Tính – Quản lý Kinh doanh của salon ôtô cũ tại quận 7 (TPHCM) cho hay, trong quá trình làm việc và thu mua xe từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, anh đã gặp phải và may mắn tránh được nhiều vụ vừa đảo tiền cọc tương tự, đặc biệt trên địa bàn TPHCM.
“Có nhiều đối tượng hối thúc mình chuyển cọc trước khi xuống xem xe, đa số đều đưa ra những thông tin hối thúc để đánh vào tâm lý người mua như: Có khách đang xuống xem, có người trả giá tốt hơn nhưng đã hứa chốt giá với mình…
Tuy nhiên, đối với các trường hợp không thể xuống tận nơi kiểm tra và xem xe kịp thời, tôi sẽ lựa không chuyển cọc và chấp nhận có thể không kịp mua chiếc xe đó. Bởi việc mua 1 cái xe có rất nhiều yếu tố, ngoài việc kiểm tra thông tin có xác thực hay không, còn phải kiểm tra chất lượng xe, giấy tờ chính chủ”, anh Tính cho hay.
Theo đó, người dân khi mua hàng đặc biệt là các sản phẩm xe cộ có giá trị lớn như xe máy, xe ôtô… trên mạng cần đặc biệt cẩn trọng. Thứ nhất là không mua xe lậu, xe không giấy tờ. Đồng thời, khi giao dịch địa điểm công cộng, nên giao dịch trực tiếp và có 2 người trở lên.
Bên cạnh đó, phải sử dụng phương thức giao dịch an toàn: Không cọc trước, giao tiền, chuyển khoản trước khi gặp trực tiếp, nhận hàng và phải lưu giữ hóa đơn, chứng từ giao dịch.