Anh Mạnh vì bị thần kinh nên dù có thấy mẹ nhưng cũng thờ ơ kiểu “mặc kệ” vào ngó rồi lại vô tư ra sân đứng để ngóng trời, ngóng đất.

Theo lời kể của ông giáo già Đào Minh Sơn, chúng tôi trở về thăm hoàn cảnh của hai mẹ con cô Đỗ Thị Dung ở xóm 12, thôn Tả Hà, xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam vào một buổi chiều muộn. Ngôi nhà nhỏ không xa đường chính nhưng nếu như không có ai chỉ, chắc hẳn chúng tôi cũng không nghĩ ở đó có người ở bởi nó âm u, tăm tối và phảng phất cái gì đó lạnh lẽo đến hoang tàn. Đứng ở ngoài sân là anh Đào Văn Mạnh mà theo ông giáo Sơn cho biết, năm nay anh đã 31 tuổi, còn phía trong là cô Đỗ Thị Dung (mẹ anh Mạnh) do bị tai biến nên không thể nói cũng không thể đi lại được.

Gương mặt gầy hốc hác với đôi bàn tay khẳng khiu, cô không thể nói chuyện, chỉ dõi ánh mắt lên nhìn như một sự cầu cứu rồi có lúc lại bặm môi chực khóc. Phải nhờ đến anh Đào Tuấn Anh – Trưởng thôn Tả Hà và bác hàng xóm Nguyễn Thị Dung thì chúng tôi mới hiểu hết được gia cảnh khốn cùng của mẹ con cô Dung mà ở cái xóm nghèo này ai cũng thương cảm.

“Chồng cô ấy chết từ khi thằng Mạnh mới được 2 tuổi thôi. Ngày trẻ cô ấy xinh mà cũng lắm người hỏi lắm đấy nhưng cô ấy quyết không đi bước nữa, ở vậy chăm con và chăm sóc bố chồng. Thằng Mạnh từ nhỏ đã không khôn, nó cứ lớn thôi chứ không biết gì cả. Bản thân cô Dung bao năm đi chặt tre để đan lát chổi rễ mang đi bán. Hồi tháng 4 âm lịch năm ngoái, buổi sáng cô ấy vẫn còn đi làm, đến buổi chiều là quỵ ra thế này rồi cấm khẩu từ đấy luôn cho đến giờ”- Bác Dung hàng xóm cho hay.

Đúng như lời các bác kể, anh Mạnh vì bị thần kinh nên dù có thấy mẹ nhưng cũng thờ ơ kiểu “mặc kệ” vào ngó rồi lại vô tư ra sân đứng để ngóng trời, ngóng đất. 30 năm cô Dung cần mẫn bòn mót từng đồng từ việc bán chổi rễ để nuôi con nhưng con không khôn nên giờ mẹ có nằm đấy cũng không được nổi 1 ngụm nước hay lời hỏi thăm. Hơn ai hết, cảm nhận được rõ điều đó nên gương mặt và ánh mắt cô cứ cố ngoái nhìn con như có trăm nghìn mũi dao đâm vào trái tim mình.

“Ở đây chúng tôi ai cũng thương cho hoàn cảnh của hai mẹ con nhưng không giúp được nhiều. Bản thân cô giờ không thể tự chăm sóc mình được, anh con trai thì không trông ngóng được gì rồi nên phải nhờ đến anh Đỗ Văn Hùng là cháu của cô chăm sóc. Những hôm anh Hùng bận, cô Dung cứ nằm một mình thế kia thôi, hàng xóm có nấu cho ít cháo thì mang bón cho cô chứ không ở với con cũng chết đói quắt queo trên giường mà thôi”, anh Tuấn Anh, trưởng thôn ái ngại cho hay.

Sau lời chia sẻ của anh Tuấn Anh, khi biết đoàn chúng tôi về thăm, mọi người trong thôn đến ngày một đông hơn để cùng nhau dọn dẹp nhà cửa cho hai mẹ con cô. Ai cũng trở vào ghé tai hỏi thăm cô Dung rồi bón cho cô quả cam hay miếng bánh. Thương cho cô cả một đời lam lũ, giờ lại thành ra như thế này, nên mọi người đều tha thiết nhờ sự giúp đỡ để cô có tiền tiếp tục đi bệnh viện. Đôi mắt rưng rưng, đại diện cho người dân trong thôn, ông giáo Sơn tâm sự: “Mong các cô, các chú giúp cho cô ấy để cô ấy tiếp tục được sống chứ cô ấy khổ cả một đời rồi. Chúng tôi ở đây, cũng chạy lại thăm luôn đấy nhưng chỉ giúp được bát cơm, bát cháo thôi cô ạ, chứ bảo có tiền cho cô ấy đi bệnh viện thì không thể có được”.

Hiểu được nguyện vọng cũng như mong mỏi của người dân trong thôn, chúng tôi cũng nghẹn ngào khi quay lại chào cô Dung để ra về. Vẫn gương mặt gầy hóp cùng ánh mắt nhìn trân trân… có lẽ cô muốn nói điều gì đó nhưng lại không thể. Lúc đó tôi đã khẽ nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc thì hai hàng nước mắt cô cũng bắt đầu chảy xuống như vỡ òa mọi cảm xúc đã dồn nén bấy lâu. Thương cô quá cô ơi, cả một đời khổ sở để rồi giờ thành ra nông nỗi này… nhưng cô biết kêu ai, chỉ có cái ánh nhìn đầy ám ảnh khiến chúng tôi cứ nhớ mãi.