Với nạn nhân xâm hại tình dục, câu hỏi “Bạn đã mặc gì hôm đó?” giống như một sự ngụ ý lạnh lùng rằng cô ấy hoặc anh ấy phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công và lẽ ra bản thân họ có thể ngăn chặn vụ việc.
Việc đẩy trách nhiệm từ tội phạm tấn công tình dục lên đôi vai của nạn nhân gọi là “victim blaming” (đổ lỗi cho nạn nhân).
Để phản bác quan niệm sai lầm rằng các vụ tấn công tình dục có thể được ngăn chặn từ một phía đó là nạn nhân, một triển lãm nghệ thuật đã ra mắt để cho thấy các nạn nhân bị tấn công tình dục đã mặc gì khi họ bị xâm hại.
Ý tưởng triển lãm ra đời sau khi Tiến sĩ Wyandt-Hiebert và Brockman, những người ủng hộ nạn nhân của bạo lực tình dục, tham dự một hội thảo và lần đầu tiên bài thơ “What I was wearing” (Bộ đồ tôi mặc hôm đó) của Mary Simmerling được đọc lên.
Bài thơ khiến những người tham dự hội thảo cảm động và quyết định triển lãm hình ảnh thực tế theo ý tưởng đó.
Triển lãm đầu tiên tổ chức tại ĐH Arkansas năm 2014. Các sinh viên đại học tham gia chia sẻ, mô tả những bộ đồ họ đã mặc khi bị tấn công tình dục.
Ý tưởng của triển lãm là để chứng minh cho mọi người thấy việc thay đổi trang phục của một người sẽ không thể thay đổi tình trạng bạo lực tình dục.
‘Bạn mặc gì hôm bị xâm hại?’ và câu trả lời của các nạn nhân khiến bạn trăn trở 1
Triển lãm “Hôm đó bạn mặc gì?” đã lan từ đại học này tới đại học khác và tạo cảm hứng cho những buổi triển lãm, những cuộc đối thoại về vấn nạn victim blaming.
Cùng xem một số bộ trang phục được trưng bày tại đây.
“Một chiếc váy mùa hè. Mấy tháng sau mẹ tôi đứng trước tủ quần áo của tôi và phàn nàn vì tôi không bao giờ mặc chiếc váy đó nữa. Khi đó tôi 6 tuổi”
“Một bộ quân phục và đang mang một khẩu súng. Quá đủ để ngăn cản bất cứ thứ gì”
“Một chiếc quần kaki và chiếc áo váy. Hôm đó tôi phải thuyết trình ở lớp giao tiếp”
“Một bộ đồ bơi. Chúng tôi đã lái cano trên sông cả ngày rất vui vẻ. Sau đó họ đến lều của tôi khi tôi đang thay quần áo”
“Chiếc áo màu vàng yêu thích của tôi. Tôi không nhớ mình mặc quần gì. Tôi nhớ mình đã rất bối rối và chỉ muốn rời khỏi phòng anh trai để quay về xem hoạt hình”
“Áo phông và quần jeans. Chuyện đó đã xảy ra 3 lần bởi 3 người khác nhau trong cuộc đời tôi. Mỗi lần tôi đều đang mặc áo phông và quần jeans”
“Tôi đã phải nghỉ làm 2 ngày sau chuyện đó. Khi tôi nói với sếp, cô ấy hỏi tôi câu hỏi này. ‘Hôm đó em mặc gì?’. Tôi trả lời: ‘Áo phông và quần jeans, vậy chị mặc gì khi chơi bóng rổ chứ?’ Sau đó tôi rời đi và không bao giờ quay trở lại”
“Bộ thứ nhất là quần jeans áo phông, lúc tôi 18 tuổi. Bộ thứ hai là chiếc váy trẻ em khi tôi 5 tuổi. Bộ thứ ba là một chiếc váy – tôi nghĩ sẽ an toàn khi đang ở cùng một người phụ nữ nhưng cô ta vẫn tấn công tôi”
“Một chiếc quần jeans, áo phông và giày vải đế bằng”
“Hôm đó tôi mặc áo sari (trang phục truyền thống Ấn Độ). Hầu như ngày nào tôi cũng mặc trang phục này. Nó làm tôi thấy thoải mái. Nó nhắc nhở tôi về nhà, về gia đình, về nguồn cội. Giờ thì nó khiến tôi nhớ về hắn ta”
Một số bình luận của độc giả sau khi xem những bức ảnh và câu chuyện trên:
“Chiếc váy hè của cô bé 6 tuổi khiến tôi thấy ghê sợ.”
“Tôi cũng từng bị tấn công khi 6 tuổi thường xuyên bởi những người hàng xóm “đáng tin”, và tôi còn chẳng nhớ mình mặc gì khi đó. Tôi chỉ nhớ khuôn mặt bố tôi khi tôi kể cho bố nghe. Khi ông đấm tôi vì tội “nói dối” và “hủy hoại danh tiếng người khác”, tôi không thể hiểu nổi. Sau này tôi mới biết ông cũng từng có hành động không phải với những đứa cháu họ của ông. Tôi nghĩ mình đã hiểu lý do vì sao.”
“Đừng bao giờ, đừng bao giờ hỏi nạn nhân bị xâm hại tình dục rằng họ đã mặc gì. Điều đó thật sự gây tổn thương và chẳng hề liên quan. Cho dù họ mặc một chiếc váy siêu gợi cảm hay một bộ bikini, hoặc gì đi nữa, thì họ vẫn có quyền lựa chọn mình muốn làm chuyện ấy hay không.”
“Đúng vậy, đó chính là mục đích của triển lãm. Để cho thấy rằng trang phục bạn mặc chẳng liên quan gì đến chuyện đó cả. Để mọi người ngưng đổ lỗi cho nạn nhân mà phải là lỗi của kẻ hiếp dâm.”