Mỗi người đàn ông đều cần trở thành một người đàn ông điềm tĩnh, trước hết qua cách nói năng, giao tiếp.

1. Nghe nhiều nói ít

Đàn ông điềm tĩnh là người thấu hiểu châm ngôn này hơn ai hết.

Trong một cuộc nói chuyện, anh ta thường lẳng lặng “đứng sau hậu trường” để người khác làm tâm điểm, và chỉ lên tiếng khi thấy cần thiết. Một cách để bạn làm được như vậy là khi trò chuyện, hãy tự nhủ rằng còn một người nữa mới tới lượt mình nói tiếp.

2. Đặt câu hỏi để người khác trả lời

Lắng nghe nhưng không im thin thít, đàn ông điềm tĩnh biết hỏi những câu hỏi thú vị để cuộc nói chuyện được tiếp diễn. Anh ta gợi mở, tạo điều kiện để người đối thoại với mình được bộc lộ quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc.

Ví dụ, khi thấy một người quen vừa đi du lịch về. Thay vì nói: “Tôi cũng từng đến nơi đó. Chuyến đi đó thế này thế này”, hãy hỏi: “Ồ, chỗ đó sao, vui chứ?”

Nhờ đặt câu hỏi và lắng nghe, chúng ta sẽ có thêm kiến thức mới hoặc thấu hiểu được góc nhìn của người kia, trước khi đưa ra bình luận của riêng mình.

3. Suy nghĩ kỹ trước khi nói

Đàn ông điềm tĩnh thường kiệm lời, nhưng một khi đã phát ngôn thì rất đúng trọng tâm vấn đề, súc tích, đanh thép và rõ ràng. Bởi vì anh ta luôn “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, nghĩa là luôn biết mình phải nói gì và nên nói như thế nào.

Đây là một kỹ năng không dễ mà có được. Trước hết, bạn buộc phải thật tập trung khi trò chuyện và phải nói với một tốc độ chậm rãi, giọng điệu rõ ràng.

4. Không ngắt lời người khác

Ngắt lời ai đó là một hành động thô lỗ, bất lịch sự. Đàn ông điềm tĩnh luôn để người khác trình bày trọn vẹn ý kiến của mình rồi mới lên tiếng.

Nếu cần nói ra một việc gì gấp, họ sẽ hỏi ý người kia trước.

5. Nói nhỏ, không lên giọng

Nói nhẹ nhàng với âm lượng vừa đủ nghe, ngay cả khi tranh luận.

Sự bất đồng quan điểm trong lúc trò chuyện có thể khiến chúng ta vô thức nói to tiếng.

Nhưng một người đàn ông trưởng thành và điềm tĩnh phải biết kiểm soát tông giọng của mình.

6. Không nổi giận

Chỉ cần hành động thôi! Còn nếu đã không thay đổi được thì quên nó đi là xong. Như vậy, suy cho cùng, chẳng có cái gì đáng để ta phải tức giận cả. Đúng vậy, nếu thay đổi được thì việc gì phải tức giận?

Nhưng chúng ta là con người, đôi khi giận dữ là điều khó tránh. Nó có thể là cách để che đậy những tổn thương và bất lực của bản thân, có thể là cách mà một số người thông báo nhu cầu của họ.

Nó là phương tiện đưa tin tốt. Tuy nhiên, nó không giúp giải quyết vấn đề.

7. Điềm tĩnh chứ không nhu nhược

Sự điềm tĩnh tuyệt đối không phải sự kìm nén hay cam chịu.

Sự điềm tĩnh cũng không phải là lẩn tránh xung đột mà là bày tỏ, bảo vệ niềm tin của bản thân nhưng vẫn tôn trọng nhân phẩm cảm xúc của người khác.

Những người điềm tĩnh luôn có thiện chí đi tìm giải pháp cho vấn đề thay vì đổ lỗi hay than trách.

8. Suy nghĩ cởi mở

Đàn ông điềm tĩnh luôn tâm niệm một điều: Thế giới này rất rộng lớn, có nhiều điều mình không thể biết hết.

Những con người mình tiếp xúc cũng đa dạng, có quan điểm riêng và có cuộc sống riêng.

Do đó, thay vì bắt mọi thứ phải theo ý mình, hãy chấp nhận sự khác biệt. Đó là nền tảng của một tính cách cởi mở.

Và chỉ có bắt đầu với suy nghĩ này, chúng ta mới trưởng thành và giỏi giang hơn.

9. Lấy đại cuộc làm trọng

Điềm tĩnh âu cũng chỉ là một chọn lựa về thái độ. Sở dĩ một số người đàn ông chọn điềm tĩnh vì họ luôn lấy đại cuộc làm trọng. Họ không vì một trận cãi vã mà hủy kết bạn. Họ không để những mâu thuẫn trong quan hệ đồng nghiệp ảnh hưởng đến công việc chung. Họ hiểu giá trị của một bước lùi, của chữ “nhẫn”, của sự nhún nhường là để thấy rõ hơn bức tranh tổng thể và đưa ra một quyết định sáng suốt cho tương lai.

Và nếu muốn điềm tĩnh hơn khi giao tiếp, bạn cũng phải thấy được “đại cuộc” điều đó trong mỗi cuộc nói chuyện của mình.