Là “ông trùm” trong nghề chăn nuôi dê thương phẩm, với quy mô lớn, từ 1000 đến 1.300 con dê, có thời điểm gia đình ông Cầu nuôi tới 1.500 con.

Dùng “binh pháp” vào chăn nuôi dê đó là ông Nguyễn Xuân Cầu, 61 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi dê thương phẩm phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ông Cầu cũng khuyên các hộ nuôi dê trong chi hội đang cố gắng “cầm cự” mong trở lại thời vàng son.

“Cầm cự” qua giai đoạn khó khăn

Những ngày tháng này, thời kỳ hậu Covid đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất chăn nuôi của người nông dân. Từ người chăn nuôi lợn, gà…đến chăn nuôi dê. Khó khăn chung mà ngành chăn nuôi gặp phải đó là giá các loại thịt thương phẩm giảm sâu, kéo dài khiến người chăn nuôi bị thua lỗ nặng.

“Trong 30 năm chăn nuôi con dê, lần đầu tôi mới thấy giá thịt dê thương phẩm giảm sâu đến vậy”, ông Nguyễn Xuân Cầu, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi dê thương phẩm phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương chia sẻ.

Là “ông trùm” trong nghề chăn nuôi dê thương phẩm, với quy mô lớn, từ 1000 đến 1.300 con dê, có thời điểm gia đình ông Cầu nuôi tới 1.500 con. Trị giá tổng đàn dê nhiều tỷ đồng, cộng với kiêm cả việc giết mổ, sản xuất nhiều sản phẩm từ con dê nên ông Cầu cảm nhận được “sức nóng” sự khó khăn của thời hậu Covid “phả” vào ông hàng tháng, hàng ngày.

Ông Cầu cho biết: “Trước đây (thời điểm trước dịch Covid) mỗi ngày tôi thịt 15 con dê để cung cấp cho các nhà hàng, khách hàng nhưng nay thời hậu Covid, mỗi ngày chỉ thịt 5 con mà còn khó bán”.

Lý giải về sự sụt giảm này ông Cầu cho rằng, thời điểm sau covid nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, lao động, việc làm và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, việc chi tiêu cho cuộc sống giảm dẫn đến việc sản xuất, tiêu thụ thịt dê của người chăn nuôi cũng vì thế mà gặp khó khăn.

Với 30 năm kinh nghiệm trong chăn nuôi, tiêu thụ dê thương phẩm nên ông Cầu hiểu được ngành chăn nuôi dê thương phẩm thời điểm hiện tại khó khăn thế nào sau dịch Covid. Vì vậy, trong câu chuyện với chúng tôi, ông Cầu hay đưa ra những còn số so sánh trước và sau thời điểm Covid để chứng minh sự khó khăn thời điểm hậu Covid ảnh hưởng đến người chăn nuôi dê thương phẩm.

Chẳng hạn, ông đưa ra so sánh về giá thịt dê thương phẩm trước dịch Covid là 150 nghìn đồng/kg còn sau Covid giá thịt dê thương phẩm giảm sâu, hiện này giá chỉ còn 90 nghìn đồng/kg. Với giá này, người nuôi dê đã lỗ nặng, cũng vì khó tiêu thụ nên thời gian nuôi dê thương phẩm phải kéo dài hơn, trước đây nuôi tầm 3 tháng được xuất bán thì nay nuôi kéo dài 5 đến 6 tháng, kéo theo chi phí chăn nuôi tăng nên người nuôi càng lỗ năng hơn. Hiện, người nuôi dê lỗ tầm 500 nghìn đồng/con.

Hay như trước đây, bình quân mỗi tuần ông nhập về 2 – 3 chuyến, thậm chí có tuần 4 chuyến xe dê về nuôi và bán con giống cho các trang trại. Còn hiện nay, đã lâu ông Cầu chưa nhập chuyến nào. Vì ngay bản thân ông và 15 hộ trong chi hội nghề nghiệp chăn nuôi dê thương phẩm phường Phạm Thái cũng đang trong giai đoạn nuôi “cầm cự” và tiêu thụ số dê hiện có. Ông Cầu và các hộ nuôi dê không dám tăng số lượng dê trong thời điểm khó khăn này.

“Bản thân tôi cũng thực hiện việc “cầm cự” với số lượng hiện có và tôi cũng khuyên anh em trong chi hội cũng thực hiện như thế. Việc khó khăn chưa biết đến bao giờ chấm dứt nên việc gia tăng số lượng con như trước sẽ rất nguy hiểm. Vì càng nuôi nhiều sẽ lỗ càng nặng hơn”, ông Cầu chia sẻ.

Trước câu hỏi, việc giá thịt dê giảm sâu,phải nuôi kéo dài, khiến người nuôi lỗ nặng, thì việc “cầm cự” liệu sẽ kéo dài bao lâu? Ông Cầu cho hay: “Không muốn “cầm cự” thì cùng phải “cầm cự” thôi. Việc tiêu thụ khó khăn, có muốn bán nhanh cũng chẳng được. Chẳng lẽ, thịt hết dê rồi đem cho hàng xóm”.

Tuy nói chua xót là vậy, nhưng ông Cầu cũng phân tích cho chúng tôi hiểu, việc “cầm cự” của người nuôi dê có thể thực hiện được. Vì theo ông Cầu, người nuôi lợn, gà nếu phải “cầm cự” mới khó. Vì khẩu phần ăn của lợn, gà 100% là thức ăn tinh, có nghĩa phải nuôi bằng cám công nghiệp nên sẽ đội chi phí chăn nuôi lên cao. Còn khẩu phần ăn của con dê chủ yếu là thức ăn xanh gồm lá cây, thức ăn tinh không đáng kể. Mỗi con dê, chỉ ăn thức ăn tinh hết 2.000 đồng/ngày. Với mức chi phí đó, người nuôi dê có thể “cầm cự” được.

Thời “vàng son” lãi triệu rưỡi/con

Ông Cầu là người nuôi dê thương phẩm sớm nhất ở Phạm Thái. Năm 1993, ông bắt đầu nuôi dê, lúc đó quy mô còn nhỏ, với 100 con dê lai Bách Thảo, với hình thức bán chăn thả. Nuôi có lãi, có vốn nên ông cứ tăng dần số con.

Theo ông Cầu, dê là loài vật dễ nuôi, dễ bán, chi phí chăn nuôi thấp, ít dịch bệnh, thời gian nuôi ngắn, bán giá thương phẩm cao, thời gian quay vòng vốn nhanh. Bình quân, thời gian nuôi và xuất bán một lứa dê chỉ tầm hơn 3 tháng. Vì vậy, bình quân mỗi năm ông Cầu nuôi được 3 lứa.

Cứ có lãi đến đâu ông lại mở rộng chuồng, tăng số lượng con đến đó. Với diện tích trang trại rộng 30 nghìn m2, ông Cầu dành 2000 m2 xây dựng chuồng kiến cố. Năm 2013, ông chuyển sang nuôi dê Thái Lan, với hình thức nuôi nhốt 100% với quy mô đàn lên 300 – 400 con dê. Cũng năm này, ông Cầu phát triển thêm việc giết mổ, chế biến nhiều sản phẩm từ thịt dê.

Ông Cầu cho biết, con dê Thái Lan có ưu điểm phù hợp nuôi nhốt, chất lượng thịt ngon hơn, năng suất thịt nhiều, tỷ lệ thịt nạc cao, kháng bệnh tốt hơn các loại dê khác. Vì vậy, nuôi bao nhiêu, thịt bao nhiêu tiêu thụ hết đến đó.

Không chỉ nuôi dê, ông Cầu còn có nhiều nguồn thu từ con dê như bán dê giống cho các hộ chăn nuôi, giết mổ, bán thịt tươi cho các nhà hàng, chế biến thịt dê thành các sản phẩm giò dê, nấu cao xương dê, nấu cỗ theo đơn đặt hàng và bán phân dê.

Nhiều việc, gia đình ít người, để bảo đảm công việc, ông thuê 6 lao động làm việc thường xuyên tại trang trại với lương tháng 9 triệu đồng. Có lao động hỗ trợ, công việc chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ của trang trại hiệu quả hơn.

Ông Cầu phất lên nhờ việc nuôi dê, bởi dê dễ tiêu thụ, được giá cao. Những năm 2018, năm 2019, ông Cầu coi là thời kỳ “vàng son” của nghề nuôi dê thương phẩm. Bởi lúc đó con dê cho lãi cao nhất từ khi ông bước vào nghề nuôi dê. Cụ thể, một con dê sau 3 tháng nuôi khi xuất bán ông Cầu lãi đỉnh điểm đạt 1,5 triệu đồng/con.

Những năm này, từ các nguồn thu, mỗi năm doanh thu của trang trại đạt hàng tỷ đồng. Từ năm 2013 trở lại đây, việc nuôi dê và kinh doanh các sản phẩm từ dê mỗi năm bình quân ông Cầu đều thu lãi từ 700 triệu đến 800 triệu đồng.

Nhân đà thắng lợi, năm 2020, ông Cầu tăng số lượng đàn nuôi lên từ 1000 con đến 1.300 con, có thời điểm lên 1.500 con dê/lứa. Nếu không xảy ra dịch bệnh Covid, việc chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ con dê sẽ cho doanh thu, lãi cao hơn nhiều lần so với thời “vàng son” những năm 2018 – 2019. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid xảy ra đã làm “phá sản” kế hoạch của ông, khiến ông phải rơi vào tình cảnh “cầm cự” như hiện nay.

“Theo tôi, việc khó khăn đối với người chăn nuôi nói chung và nuôi dê thương phẩm nói riêng sẽ còn kéo dài hết năm nay, sau đó hồi phục dần. Tôi hi vọng lúc đó, nghề nuôi dê thương phẩm sẽ phát triển trở lại, giúp tôi cũng như các thành viên trong chi hội nghề nghiệp nuôi dê thương phẩm phường Phạm Thái gỡ gạc lại, để vươn lên làm giàu từ nghề chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ dê thương phẩm”, ông Cầu hy vọng.