Cây hẹ là thực phẩm quen thuộc ở nước ta, ngoài ra hẹ còn được biết đến như một vị thuốc rất tốt cho hệ tiêu hóa. 

Hẹ còn gọi là cửu thái, tên khoa học: Allium tuberosum Rottl. et Spreng. Hẹ được dùng làm gia vị và làm thuốc chữa bệnh.

Theo y học dân tộc, hẹ có vị cay, hơi chua, mùi hăng, tính ấm, có tác dụng tán ứ, hoạt huyết, tiêu độc, tiêu đờm, cầm máu.

Nghiên cứu gần đây cho thấy, trong lá và củ hẹ có chất sunfua, saponin, chất đắng và một hoạt chất đặt tên là odorin có tác dụng kháng sinh mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn như Staphylococcus, Salmonella, Shigella, Subtilis… Tính chất kháng sinh này khá bền vững, nhưng nếu đun sôi sẽ hết tác dụng.

Vì vậy, để chữa bệnh người ta chỉ dùng hẹ dưới dạng nước ép hoặc hấp chín, không được sắc hoặc đun sôi làm thuốc mất tác dụng. Nước hẹ dễ uống, không cay nóng như nước tỏi nên có thể dùng chữa bệnh cho trẻ em.

Ngoài ra, lá hẹ giã nát, vắt nước uống có thể chữa ho, trị cơn suyễn, đờm nhiều, khó thở. Dùng củ hẹ sắc uống chữa mồ hôi trộm. Hẹ giã nát, xào nóng, đắp ngoài cổ họng chữa cổ họng sưng đau, khó nuốt.

Hẹ còn có tác dụng chữa giun kim (cho trẻ uống nước ép lá hẹ vào buổi sáng lúc đói trong 3 – 5 ngày liền) và làm thuốc tăng cường tiêu hoá, chữa đầy hơi, ợ hơi, ăn không ngon miệng. Liều dùng trung bình 20 – 30g một ngày.

Đặc biệt, đối với chứng ho của trẻ em, nhân dân ta vẫn thường chữa bằng lá hẹ hoặc nước hẹ khá công hiệu. Nhiều người chỉ dùng nước lá hẹ hoặc nước cốt hẹ pha với mật ong (lượng bằng nhau) cho trẻ uống cũng đạt kết quả tốt, nhưng thường được phối hợp với một số vị thuốc khác như:

Bài 1: Lá hẹ 15g, hoa đu đủ đực 15g, hạt chanh 20g. Tất cả đều dùng tươi, cho vào một cái bát sạch, giã nát, thêm đường và 10ml nước, đem hấp chín. Để nguội cho trẻ uống, chia làm ba lần trong ngày. Dùng liền 3 – 4 ngày.

Bài 2: Lá hẹ 10g, củ nghệ tươi 20g, chanh một quả. Cắt nhỏ lá hẹ; Nướng nghệ chín, bóc sạch vỏ, giã nát, cho lá hẹ vào, thêm một ít muối ăn (khoảng 2g) và đường vào trộn lẫn. Chanh tươi để cả vỏ, thái nhỏ, trộn lẫn với những thứ trên, cho bệnh nhân ăn trước khi đi ngủ.

Trẻ lớn mỗi tối ăn một lần, trong 2 – 3 tối liền. Trẻ em trên 4 tuổi dùng nửa liều trên. Trẻ nhỏ dưới 4 tuổi dùng 1/3 hoặc 1/4 liều trên, tuỳ theo tuổi.

Cũng có thể chỉ làm đơn giản như sau: Đem lá hẹ và củ nghệ thái nhỏ, trộn đều với 2g muối ăn và 4g đường kính. Cắt quả chanh ướp với những thứ đã trộn trên, hấp vào nồi cơm, chia làm hai lần ăn trước bữa cơm.

Ngoài ra hẹ còn có tác dụng trong việc giúp quý ông bổ thận tráng dương với các bài thuốc như: 

+ Nam giới thận hư, di mộng tinh, phụ nữ bạch đới: hạt hẹ ngâm giấm, rang khô, tán bột; dùng mật ong làm hoàn, viên bằng hạt đậu. Ngày uống 3 – 5g, uống vào lúc đói với rượu nóng.

+ Rượu bổ dùng cho nam giới: hạt hẹ 40g, tằm đực khô 200g, dâm dương hoắc 120g, câu kỷ tử 40g, kim anh tử 100g, ngưu tất 60g, ba kích 100g, thục địa 80g, sơn thù 60g, mật ong 800ml, rượu 400 4 lít. Ngâm 20 – 30 ngày. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 20ml. Tăng cường hoạt động sinh dục.

– Rau hẹ, hồ đào xào dầu vừng: rau hẹ 240g, hồ đào nhân 60g. Xào với dầu vừng, ngày ăn 1 lần, dùng trong 1 tháng. Dùng cho người đau lưng liệt dương.

– Cháo lá hẹ: lá hẹ tươi 60g, gạo tẻ 100g. Nấu cháo gạo, khi cháo được, cho hẹ vào, thêm muối vừa ăn. Dùng cho bệnh nhân đau bụng tiêu chảy, liệt dương di tinh.

– Cháo hạt hẹ: hạt hẹ 200g, gạo lứt 300g. Tất cả nấu cháo, lọc gạn lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng cho bệnh nhân mệt mỏi suy nhược, di tinh, di niệu.

Kiêng kỵ : Sốt nóng viêm nhiễm lở ngứa, đau mắt đỏ đều không dùng.