Anh Nguyễn Thanh Tuấn (Quảng Nam) và ông Nguyễn Văn Phụng (Bình Thuận) đã đầu tư mô hình nuôi kỳ nhông khi nhận thấy tiềm năng kinh tế, nhu cầu tiêu thụ loại thịt này ngày càng cao.

Từ lâu, kỳ nhông (nhông cát, con nhông, con dông, kỳ dông, dông cát) đã là đặc sản của miền Trung nhờ hương vị thịt thơm ngon đặc biệt. Thịt nhông trắng, thớ thịt săn, thơm và ngọt, xương mềm như sụn, nhai sần sật. Chúng có thể làm thành nhiều món ngon như nướng, xào sả ớt, gỏi, cháo kỳ nhông, chả kỳ nhông, ngâm rượu…

Kỳ nhông trước đó chỉ hoàn toàn được bắt trong tự nhiên, khối lượng không nhiều nên thường khan hiếm, đến nay nhiều nông dân tại Quảng Nam đã thành công trong việc nhân giống và nuôi kỳ nhông tại nhà.

Là loại động vật khá hiền lành, chúng chỉ ăn cây cỏ non, chồi cây hoặc chồi của cây xương rồng. Thi thoảng loài bò sát ăn chay này mới có thể ăn các loại côn trùng nhỏ, giun đất, cào cào, châu chấu, chuồn chuồn… Chúng “ngủ ngày cày đêm”, thường đi kiếm ăn buổi sáng, trở về hang vào buổi chiều và ẩn nấp cho đến sáng sớm hôm sau.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, trú xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam

Bắt tay vào nuôi loài bò sát này từ năm 2006, sau gần 1 năm, anh đã có đến hàng ngàn con chỉ từ 300 con giống ban đầu.

Trang trại nhông của anh Tuấn giờ đã rộng hơn 7.000m2, ngoài nuôi kỳ nhông còn tự trồng các loại cây cỏ phục vụ nhu cầu ăn uống của loài động vật này. Kỳ nhông có thể tự sinh sản và phát triển ngay cả trong điều kiện nuôi nhốt. Chính vì vậy anh Tuấn chỉ thả giống một lần ban đầu và về sau tự gây giống giúp duy trì và phát triển đàn. Cứ 8 – 10 tháng là trang trại của anh lại cho xuất chuồng một lứa kỳ nhông thương phẩm.

Hàng anh Tuấn xuất đi không bao giờ lo ế, do các nhà hàng chuyên món đặc sản tại địa phương luôn đặt hàng trước. Cứ đến đợt xuất chuồng, lứa hàng ngàn con kỳ nhông tại trang trại của anh đổ về hết các nhà hàng, thi thoảng có dư ra vài cặp bán giống hoặc bán cho thương lái, khách vãng lai.

Mỗi năm gia đình anh Tuấn duy trì trang trại khoảng 17.000 con kỳ nhông, mỗi năm xuất bán ra thị trường hơn 1 tấn nhông thương phẩm. Với giá 600.000 đồng/kg, mỗi năm doanh thu từ trang trại của anh đạt khoảng 6 tỷ đồng, sau khi trừ tất cả chi phí còn lãi trên 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho các nhân công của trang trại.

Để phát triển thêm, vừa qua anh cũng đầu tư mua thêm 15.000m2 đất ở gần nhà để mở rộng trang trại.

Ông Nguyễn Văn Phụng ở xã Thiện Nghiệp, Phan Thiết (Bình Thuận)

Nuôi hơn 4.000 con dông trên rẫy đất cát khô cằn cách trung tâm xã chừng 3 km, ông Phụng dùng tôn ngăn 4.000 m2 đất thành 4 chuồng nuôi vuông vức. Mỗi chuồng hơn 1.000 con cùng lứa tuổi, nhỏ lớn tách biệt, tránh việc dông nhỏ bị cắn khi tranh giành thức ăn.

Chuồng nuôi dông được làm đơn giản, chỉ cần dùng những tấm tôn tôn xi măng cũ che chắn xung quanh thành bờ tường rào. Tôn được chôn xuống 40 cm để dông khỏi đào thoát ra bên ngoài. Phía trên được bắn một lớp tôn láng khoảng gang tay để khi con dông bò lên sẽ bị trượt chân xuống trong chuồng.

Cứ 8h mỗi ngày, ông Phụng mang một ôm rau muống, chia làm bốn, ra thả vào giữa mỗi chuồng. Đây cũng là lúc dông từ dưới hang chui lên mặt đất phơi nắng. Khi ăn no, chúng tìm vào bóng mát dưới các lùm cây giữa chuồng nghỉ ngơi hoặc tiếp tục nghịch cát, rượt đuổi nhau dưới ánh mặt trời.

Ông đã theo nghề nuôi dông hơn chục năm qua. Lúc đầu, ông bắt những con dông tự nhiên sống trên các triền cát ven rừng phòng hộ về thả vào chuồng, dần dần chúng sinh sản làm giống cho đến bây giờ. Từ một chuồng nay đã phát triển thành bốn chuồng, cứ bán gối đầu liên tục.

Là giống bò sát có nguồn gốc tự nhiên nên chúng tự đào hang sâu 1,5-2 m trong chuồng cát để trú ẩn. Vào mùa gió Bấc (tháng Chạp đến tháng 3 Âm lịch) chúng xuống hang ẩn mình, cơ thể tự điều tiết dinh dưỡng như gấu Bắc cực ngủ đông. Sức đề kháng tốt, nên dông ít bị dịch bệnɦ, rất dễ nuôi.

Dông con mới nở nuôi đến 24 tháng mới xuất bán được. Lúc này, dông trống dài 40 cm, trọng lượng đạt khoảng 0,5 kg, còn con mái nhẹ một nửa. Mỗi năm ông Phụng xuất bán hơn 100 kg dông trưởng thành. Các nhà hàng ở khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né thường đến thu mua tại chuồng với giá 650.000 – 700.000 đồng một kg.

“Làm chơi chơi, mà một mình tôi thu nhập gần 70 triệu đồng mỗi năm”, ông Phụng nói và cho biết gia đình còn làm thêm nghề ươm dừa giống bán, nên cuộc sống rất nhàn nhã. Ông Phụng cho rằng nghề này đầu tư chi phí thức ăn và công chăm sóc rất ít, mỗi ngày chỉ cho ăn vài bó rau hoặc một ít cám, nhưng lại cho thu nhập bền vững.